Chính sách thân Tần Tề_vương_Kiến

Theo Sử ký, Điền Kiến là con của Tề Tương vương – vua thứ 7 nước Điền Tề. Năm 265 TCN, Tề Tương vương mất, Điền Kiến lên ngôi, tức là Tề vương Kiến.

Tề vương Kiến lên ngôi khi còn ít tuổi, thái hậu đứng ra làm nhiếp chính. Thái hậu chú trọng việc giữ quan hệ với các chư hầu. Thời kỳ này, nước Tần ngày một lớn mạnh, liên tiếp mở các cuộc tấn công sang phía đông, đánh chiếm nhiều đất đai của các nước còn lại. Vua Tần dùng kế "thân xa đánh gần", kết giao với nước Tề để nước Tề không cứu các nước khác khi các nước này bị Tần đánh.

Năm 260 TCN, nước Triệu đại chiến với nước Tần ở Trường Bình. Tề vương Kiến và Sở Khảo Liệt vương định phát binh cứu Triệu, Tần Chiêu Tương vương tuyên bố sẽ đánh nước nào cứu Triệu. Vì vậy vua Tề và vua Sở không dám phát binh. Triệu Hiếu Thành vương khẩn khoản xin Tề vương Kiến phát binh vì thế quân Tần rất lớn. Chu Tử cũng khuyên ông ra quân cứu Triệu, vì nếu Triệu bị diệt thì sau đó sẽ tới Tề, Sở, nhưng ông nhất định không nghe theo. Kết quả tướng Tần là Bạch Khởi đại phá quân Triệu, giết hơn 40 vạn quân Triệu khiến nước Triệu bị suy nhược.

Sau khi thái hậu mất, Tề vương Kiến dùng Hậu Thắng làm tướng quốc. Hậu Thắng nhất mực khuyên Tề vương Kiến nên thân Tần. Khi Tề vương Kiến cử sứ giả sang giao hiếu, nước Tần lại dùng tiền vàng đút lót cho các sứ giả, khiến họ cũng cùng nhau nhất loạt khuyên Tề vương Kiến nên hòa hiếu với nước Tần. Vì vậy Tề vương Kiến tiếp tục chính sách: "Sự Tần, cẩn" (kính cẩn phụng sự nước Tần), không chịu hưởng ứng hợp tung với chư hầu trong những lần do Tín Lăng quân, Bình Nguyên quânBàng Noãn phát động[5]

Trước sức mạnh của Tần, các nước liền kề như Hàn, Triệu, Ngụy ngày càng bị mất đất, thế lực suy kiệt, nước Tề bỏ mặc không cứu. Trong khi đó, thế nước Tề cũng ngày càng suy yếu. Năm 237 TCN, Tề vương Kiến sợ thế lực của Tần vương Chính, cũng phải sang triều kiến, cùng uống rượu tại Hàm Dương.